Đánh cược tính mạng vượt sông để có thể tìm đến tương lai tươi sáng - Trung Tâm Gia Sư Dạy Kèm Tại Nhà TP HCM

Đánh cược tính mạng vượt sông để có thể tìm đến tương lai tươi sáng

Bị chia cắt bởi dòng sông Son nên mỗi ngày, hàng chục học sinh tại thôn Trằm Mé (thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đều phải lênh đênh trên chiếc đò gỗ để vượt sông tìm con chữ. Những mối hiểm nguy luôn rình rập khi các em thường không mặc áo phao cũng như không có phương tiện cứu hộ.

Thôn Trằm Mé thuộc xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình hiện có 270 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu. Vì bị chia cắt bởi dòng sông Son nên từ nhiều đời nay, người dân và học sinh ở đây đều phải vượt sông bằng đò gỗ, đây là phương tiện duy nhất để họ có thể đi ra bên ngoài.

Dẫu biết nguy hiểm, đánh cược với tính mạng trên chiếc đò nhỏ đã cũ, nhưng người dân không còn cách nào khác. Cả xe máy, xe đạp và người đều phải lên đò để qua sông.

Mỗi ngày, người dân và hàng chục học sinh tại thôn Trằm Mé phải qua sông trên chiếc đò gỗ
Mỗi ngày, người dân và hàng chục học sinh tại thôn Trằm Mé phải qua sông trên chiếc đò gỗ

“Ngày nào cũng đi như rứa đó chú, đi chợ, đi khám, học sinh đi học đều ngồi đò để qua, có ngày đi cả chục lượt. Chúng tôi chỉ mong sớm có được cây cầu treo cho bớt vất vả và cũng đỡ chi phí đi đò”, chị Ngô Thị Nga, một người dân thôn Trằm Mé nói trong sợ hãi.

Người dân và các em học sinh tại thôn Trằm Mé hiện đang sử dụng chiếc đò của gia đình ông Phan Xuân Thẩm, là người trong thôn để làm phương tiện đi lại. Mỗi ngày ông Thẩm và vợ là bà Nguyễn Thị Liên dậy phục vụ người dân từ 5 rưỡi sáng đến 7 giờ tối, những lúc đột xuất như có người đau ốm, sinh đẻ còn phải vượt sông trong đêm.

Những mối hiểm nguy luôn rình rập khi các em thường không mặc áo phao cũng như không có phương tiện cứu hộ
Những mối hiểm nguy luôn rình rập khi các em thường không mặc áo phao cũng như không có phương tiện cứu hộ

Được biết mỗi một lượt qua đò, ông Thẩm thu của mỗi người dân 1 ngàn đồng, đối với xe máy là 2 ngàn đồng. Riêng các em học sinh, chủ đò chỉ thu mỗi năm 20kg thóc. Hiện nay tại thôn Trằm Mé chỉ có lớp học dành cho học sinh mầm non và tiểu học, còn các em học sinh THCS và THPT hàng ngày đều phải lênh đênh trên chiếc đò gỗ này để vượt sông với bao nguy hiểm luôn rình rập.

Điều đáng nói, không chỉ các em học sinh mà hầu hết người dân khi qua sông đều không sử dụng áo phao, trên đò cũng không được trang bị đầy đủ các phương tiện cứu hộ. Cũng vì tâm lý chủ quan, người dân ở đây đang đánh đu với tính mạng của mình cũng như con em trên chiếc đò nhỏ chênh vênh, có nhiều lúc chiếc đò này còn chở số người vượt quá mức quy định, không đảm bảo an toàn.

Niềm mong mỏi của người dân và học sinh nơi đây là có được một cây cầu để đi lại thuận tiện và an toàn hơn.
Niềm mong mỏi của người dân và học sinh nơi đây là có được một cây cầu để đi lại thuận tiện và an toàn hơn.

Việc bị chia cắt bởi con sông cũng khiến cuộc sống của người dân thôn Trằm Mé gặp rất nhiều khó khăn, chính vì thế mà con đường đến trường của các em học sinh cũng trở nên gập ghềnh hơn, đặc biệt là vào những ngày mưa lũ.

“Học cấp 1 thì bọn cháu được học tại thôn nhưng lên lớp 6 là phải ra học ngoài xã, hằng ngày đều phải đi đò để qua sông, vào mùa mưa lũ nước to không đi được là bọn cháu phải nghỉ học, như năm ngoái bọn cháu phải nghỉ đến 4 lần”, em Trần Ngọc Hải (SN 2004), học sinh Trường THCS Sơn Trạch chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng thôn Trằm Mé cho biết, toàn thôn hiện có khoảng 100 em học sinh đang theo học tại các trường trung học trên địa bàn xã Sơn Trạch, và Phúc Trạch, ngoài việc qua sông bằng đò, các em còn phải vượt qua quãng đường gần 10km để đến trường. Vào những ngày mưa lũ, nước dâng lên khoảng 1m là các em lại phải nghỉ học vì qua sông không an toàn.

Gần 3 năm nay, học sinh tại thôn Trằm Mé đã có xe đưa đón đến trường, tuy nhiên cảnh phải vượt sông trên những chuyến đò ngang chưa biết bao giờ mới kết thúc
Gần 3 năm nay, học sinh tại thôn Trằm Mé đã có xe đưa đón đến trường, tuy nhiên cảnh phải vượt sông trên những chuyến đò ngang chưa biết bao giờ mới kết thúc

“Vì đặc thù của thôn bị chia cắt nên dân ở đây muốn ra bên ngoài phải dùng đò gỗ để vượt sông, cũng chính vì thế mà cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn, bất tiện, đặc biệt là với các em học sinh. Chúng tôi cũng đã kiến nghị với các cấp chính quyền hỗ trợ xây dựng cầu nhưng vẫn chưa biết thế nào, có cầu chính là niềm mong mỏi lớn nhất của nhân dân ở đây”, ông Thông bày tỏ.

Gần 3 năm nay, học sinh tại thôn Trằm Mé đã đỡ vất vả hơn khi không phải đi xe đạp, thậm chí là đi bộ cả chục cây số để đến trường mà đã có xe buýt đưa đón ngay tại bến đò, tuy nhiên điều băn khoăn lớn nhất của người dân và học sinh vẫn chính là cảnh vượt sông trên những chuyến đò ngang chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Bài, ảnh: Tiến Thành

Add your comment

Kiến Thức Hệ Thống

Kiến Thức Hệ Thống

Học Dễ - Hiểu Nhanh

Học Dễ - Hiểu Nhanh

Dịch Vụ Chất Lượng

Dịch Vụ Chất Lượng
Contact Me on Zalo