Muốn trúng tuyển vào lớp 10 tại TP.HCM đúng với mong muốn, học sinh cần chuẩn bị kiến thức thật vững chắc và bám sát cấu trúc đề thi các môn. Theo nhiều giáo viên có kinh nghiệm luyện thi, đề thi chủ yếu là kiến thức trong sách giáo khoa lớp 9. Trước kỳ thi, thí sinh nên nắm vững kiến thức cơ bản, làm đến đâu chắc đến đấy, từ dễ đến khó để đạt điểm cao.
Môn Toán: Làm câu dễ trước, khó sau
Tiến sĩ Phạm Sỹ Nam – giáo viên môn Toán, THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) có nhiều học sinh đạt thủ khoa, điểm cao trong các kỳ thi quốc tế, đại học.
Trong nhiều năm liền, thầy Nam tham gia báo cáo tại hội thảo quốc tế về Toán học. Thầy giáo Phạm Sỹ Nam có những chia sẻ về tâm lý, sức khỏe và bí quyết đạt điểm cao trong kỳ thi vào lớp 10.
Khi làm bài thi, học sinh nên đọc từ câu một đến cuối cùng, chia câu hỏi thành ba nhóm:
Nhóm 1: Những câu dễ, thí sinh nên viết trực tiếp vào bài thi, không nhất thiết phải trình bày từ giấy nháp trước để tiết kiệm thời gian.
Nhóm 2: Học sinh tập trung suy nghĩ, tìm hướng giải trong những câu có thể làm được.
Nhóm 3: Học sinh nên làm những câu khó, cần nhiều thời gian suy nghĩ sau cùng.
Thí sinh cần lưu ý nguyên tắc, câu dễ làm trước, câu khó làm sau. Bởi nếu chọn câu khó làm trước, thí sinh sẽ mất nhiều thời gian mà được ít điểm. Trong trường hợp không làm được, các em sẽ mất bình tĩnh trong những phần tiếp theo.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Nam lưu ý học sinh không nên để mất từng 0,25 điểm trong bài thi môn Toán.
Trong quá trình làm bài thi, các em lưu ý, mỗi ý đúng đều có điểm. Vì vậy, việc viết thêm lời giải để cố 0,25 điểm nhiều khi không quá khó. Có thể thí sinh không để tâm đến điều này nhưng mỗi môn đều cố gắng 0,25 điểm, các em sẽ có 0,75 điểm.
Học sinh thi vào trường chuyên sẽ có 0,75 (3 môn thi nền) + 0,25 x 3 (thi môn chuyên) = 1,5 điểm. Số điểm này không quá lớn nhưng có thể giúp nhiều em thi đỗ vào trường mình mong muốn.
Khi trình bày vào bài thi, thí sinh cần viết rõ các ý, tránh mập mờ, gây hiểu lầm.
Khi kết thúc một môn thi, học sinh không nên nháp, kiểm tra hay thảo luận về bài làm đã nộp. Bởi, việc phát hiện sai lầm nào đó trong quá trình làm bài sẽ gây ảnh hưởng tâm lý ở các môn thi tiếp theo. Thí sinh chỉ nên kiểm tra lại, hoặc thảo luận với nhau sau kỳ thi.
Thậm chí, nếu làm bài không tốt, các em cũng nên giữ tâm lý vững vàng, luôn tự an ủi và cố gắng ở những môn thi sau”.
Môn Ngữ văn: Đề mở đang là xu hướng
Thạc sĩ Lương Hằng Nga – giáo viên giỏi môn Ngữ văn nhiều năm, hiện công tác tại trường Phổ thông Quốc tế Wellspring, đưa ra một số lưu ý:
“Về mặt nội dung: Đề thi Ngữ văn sẽ dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THCS hiện hành, chủ yếu thuộc về lớp 9.
Cấu trúc của bài thi thường gồm hai phần: Trích dẫn ngữ liệu thơ và văn xuôi trong SGK. Hệ thống câu hỏi sẽ được xây dựng theo ba mức độ: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng trong kỹ năng đọc hiểu.
Đối với mức độ vận dụng, đề bài có thể yêu cầu thí sinh viết đoạn hoặc bài văn nghị luận và nghị luận xã hội ngắn, yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức tiếng Việt. Để bài thi đạt hiệu quả cao, thí sinh cần nắm vững hệ thống kiến thức và kỹ năng cơ bản.
Về hình thức: Chữ viết rõ ràng, cách trả lời theo từng yêu cầu đề, không được trả lời chung chung. Mỗi câu phải tách bạch bằng việc đánh số câu tương ứng với số câu trong đề, trả lời trọn vẹn những ý đã hỏi. Khi hết câu, các em phải xuống đoạn đánh số và trả lời câu hỏi khác.
Về nội dung: Thí sinh phải trả lời đúng với yêu cầu câu hỏi, sát nghĩa, sâu và mang tính khoa học.
Nhập mô tả chdo ảnh
Cô Lương Hằng Nga cho rằng, đề Ngữ văn dạng mở đang là xu hướng.
Phần nghị luận văn học: Thí sinh nắm rõ xuất xứ, chủ đề, tác phẩm văn học ra đời trong hoàn cảnh nào. Đối với văn xuôi, các em nắm vững cốt truyện, nhân vật, chi tiết, nội dung nghệ thuật, những sáng tạo độc đáo trong tác phẩm.
Ngoài ra, học sinh cũng phải chú ý việc triển khai ý. Phân tích tác phẩm văn xuôi phải mạch lạc, logic, từ khái quát đến cụ thể. Các ý có sự liên kết chặt chẽ. Với tác phẩm thơ, học sinh nắm chắc hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
Tác phẩm thơ khác văn xuôi. Nếu như văn xuôi thiên về chi tiết, nội dung cốt chuyện, thì thơ là hệ thống hình tượng và ngôn từ, hình ảnh. Vì vậy, khi phân tích đoạn thơ, các em nên đặt trong chỉnh thể tác phẩm và phải nắm được ý chủ đạo, phân tích mối quan hệ giữa đoạn thơ và nghệ thuật song song để làm nổi bật tư tưởng nội dung chính của đoạn thơ.
Dù là văn bản thơ hay văn xuôi, để viết được bài văn đạt điểm cao, ngoài việc tổ chức luận điểm sáng rõ, mạch lạc, bài thi cần có kết cấu sáng tạo, từ mở bài đến kết bài.
Khi bàn luận hoặc phân tích, thí sinh đưa ra được những ý kiến mới, đòi hỏi người viết có cảm thụ tinh tê ́và khả năng tư duy độc lập, chọn được dẫn chứng tiêu biểu, trúng vấn đề, có lời bình hay, phát hiện độc đáo. Phân tích sâu rồi mới mở rộng so sánh với các tác phẩm tương đồng.
Các em nên đa dạng hóa câu văn, kết hợp câu nghị luận với câu nghi vấn, câu khẳng định, câu biểu cảm, câu văn giàu hình ảnh… và phải huy động vốn từ phong phú.
Phần nghị luận xã hội: Thí sinh nắm chắc kỹ năng làm nghị luận xã hội, biết tổ chức ý trong bài. Học sinh cần chú ý cách tổ chức luận điểm như sau: Luận điểm phải khoa học, chính xác; luận điểm phải rõ ràng, mạch lạc; luận điểm phải có tính hệ thống; luận điểm phải sâu sắc mới mẻ.
Phần nghị luận, thí sinh cần thể hiện rõ quan điểm, suy nghĩ của mình, biết rút ra bài học nhận thức và hành động từ vấn đề được nêu lên ở văn bản”.