Chương trình GDPT mới sẽ được đưa vào giảng dạy tại các trường từ năm 2018. Nhiều ý kiến quan ngại rằng, với thời gian gấp gáp, liệu rằng giáo viên và cán bộ quản lý có chuẩn bị kịp?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin ngay sau khi dự thảo này được công bố, ông Vũ Văn Lương – Giám đốc sở GD&ĐT Hải Dương đồng tình với chủ trương này. Ông Lương nêu quan điểm: “Chương trình Giáo dục phổ thông là chủ trương đúng và rất thiết thực, phù hợp trong xu hướng giáo dục con người đáp ứng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lâu dài còn là một công dân của toàn cầu”.
Tuy nhiên, ông Lương quan ngại về thời gian chuẩn bị: “Để thực hiện tốt mục tiêu và đạt được thành công của chương trình cần phải cẩn trọng lấy ý kiến nhân dân, chuyên gia và các cơ quan giáo dục; chuẩn bị kỹ để đi lâu dài, tránh tình trạng làm một thời gian lại thay đổi, như vậy sẽ gây lãng phí cho xã hội, ngân sách Nhà nước, nhân dân không đồng tình. Theo dự kiến, năm 2018, chương trình sẽ triển khai, như vậy thời gian còn 1 năm nữa, tôi e rằng sự chuẩn bị sẽ không kịp và chưa đồng bộ”?
Ông Vũ Văn Lương, Giám đốc sở Giáo dục & Đào tạo Hải Dương |
“Tôi lấy ví dụ, trong dự thảo này, cấp tiểu học không chỉ là cấp dạy các kiến thức cơ bản và sơ đẳng, mà còn học các môn như Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo chiếm hơn 1/3 khối lượng giảng dạy. Điều tôi băn khoăn là trong vòng 1 năm lấy đâu ra cơ sở vật chất? Nếu muốn dạy cho các cháu một hành vi, thói quen, hay phong cách cũng cần có cơ sở vật chất, môi trường, xây dựng nội dung, đào tạo giáo viên. Việc đào tạo giáo viên như nào? Hay chuyển từ giáo viên văn hóa sang? Vấn đề đặt ra liệu có kịp. Hiện tại, quỹ thời gian của giáo viên đang dạy văn hóa 2 buổi trên ngày, nếu chuyển sang còn 2/3 buổi thì đội ngũ giáo viên phải chuyển 1/3 sang dạy kỹ năng. Tôi e rằng sẽ có sơ suất”, ông Lương nói.
Dự thảo chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể vừa được bộ GD&ĐT công bố vào ngày 12/4. Một ngày sau đó, tại hội nghị góp ý cho chương trình, ông Trần Trung Dũng, Giám đốc sở GD&ĐT Hà Tĩnh quan ngại: “Tôi băn khoăn việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý sẽ như thế nào trong khi thời gian đã rất gấp”.
GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông thừa nhận, điều kiện thực hiện chính là thử thách lớn nhất của chương trình. “Về đội ngũ giáo viên, hiện Bộ đã có đề án đổi mới đào tạo sư phạm để tiến tới đào tạo giáo viên đa môn chứ không chỉ một môn như hiện nay. Đối với giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật, hiện trên cả nước có khoảng 2.700 trường THPT thì sẽ cần khoảng 5.400 giáo viên các bộ môn này”, GS. Thuyết nói.
Nhiều ý kiến lo ngại về thời gian chuẩn bị của Chương trình. (Ảnh minh họa) |
“Trước mắt, giáo viên của môn nào vẫn dạy những nội dung của môn đó, còn những giáo viên đã được bồi dưỡng, tập huấn tốt có thể đảm nhiệm toàn bộ môn tích hợp và đảm nhiệm những chuyên đề tích hợp. Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo đổi mới chương trình đào tạo các trường sư phạm; có chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (chương trình ETEP)”, GS. Nguyễn Minh Thuyết đưa ra giải pháp.
GS. Thuyết thông tin thêm: “Ở một số nước, khi đào tạo giáo viên, người ta đào tạo nhiều môn, không đào tạo đơn môn. Chúng ta có thể theo hình thức đào tạo nhiều môn như vậy; cũng có thể theo hình thức chia ra các học phần, mô đun, giáo viên nào học hết các học phần sẽ thực hiện dạy tích hợp”.
GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông mới. |
Trước đó, trao đổi với PV về 3 hình thức đánh giá đưa ra trong dự thảo, có thể hiểu sẽ không còn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nữa, GS. Nguyễn Minh Thuyết nói: “Hiện nay, Bộ trưởng bộ GD&ĐT đã giao vụ Giáo dục Trung học chủ trì phối hợp cùng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục và đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông xây dựng lộ trình đổi mới xét tốt nghiệp trung học phổ thông khi chương trình mới bắt đầu được triển khai đến cấp trung học phổ thông. Bộ trưởng khẳng định, từ nay đến năm 2020, chúng ta ổn định hình thức thi trung học phổ thông quốc gia”.
Thông tin về việc cắt giảm các môn học bắt buộc, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Giảm tối đa môn học bắt buộc là việc chúng tôi cố gắng thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội. Ở bậc trung học phổ thông bảo đảm cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị học có chất lượng sau trung học phổ thông, nên phải cố gắng tạo điều kiện để học sinh tập trung vào những môn giúp định hướng nghề nghiệp, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em”.
Đối với riêng học sinh của lớp 11, 12, có 6 môn học bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, không phải là nhiều. “Trong đó, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo có ít tiết, chủ yếu là thực hành, không gây nặng nề quá tải”, ông Thuyết cho hay.
“Những môn như Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng và an ninh được đưa vào chương trình là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, trên thực thế môn học này cũng rất cần thiết. Về các môn tự chọn bắt buộc, việc đưa vào các môn tự chọn bắt buộc là bước mới, ban Phát triển Chương trình cũng tranh luận rất nhiều là nên quy định sẵn theo các khối hay để học sinh lựa chọn. Tôi cho rằng, để cho học sinh tự chọn sẽ tốt hơn”, GS. Thuyết nói.
Công Luân